Phát huy tiềm năng du lịch tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là vùng đất hội tụ văn hóa. Các sản phẩm du lịch của tỉnh là sự hòa quyện, giao thoa của các yếu tố văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội. Với lợi thế đó, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng “ngành công nghiệp không khói” này. Cùng lắng nghe ý kiến đánh giá từ người dân, du khách và các chuyên gia về du lịch Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Gia Hưng

Anh Nguyễn Gia Hưng, Mê Linh, Hà Nội: Tôi rất thích uống trà Thái Nguyên, vì thế tôi cũng đã đến vùng Tân Cương của Thái Nguyên để tìm hiểu về cách thức chế biến chè và tạo ra trà, tôi thấy vô cùng thú vị. Tôi mong Thái Nguyên sẽ có nhiều tour du lịch trải nghiệm chuyên nghiệp hơn và có nhiều hoạt động đặc sắc hơn nữa để tôi có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu về mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Minh Đức

Anh Nguyễn Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Âu Lạc: Có thể thấy Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên để có thể khai thác được hết tiềm năng đó thì còn nhiều việc phải làm, trong đó là cần phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các sở, ngành, hiệp hội. Bên cạnh đó, cần quảng bá, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông.

Ông Hoàng Trí Đức

Ông Hoàng Trí Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Thái Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, đặc biệt có sản phẩm trà gắn với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Chính vì vậy mà chúng tôi rất mong muốn kết nối du lịch 2 tỉnh; cũng như có nhiều hoạt động hợp tác để du lịch 2 địa phương cùng phát triển.

Ông Vũ Văn Tuyên

Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam: Điểm còn thiếu của tỉnh Thái Nguyên là hiện chưa chú trọng vấn đề định vị thương hiệu du lịch, đặc biệt là cộng đồng du lịch. Vì vậy, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn để tạo ra những chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá, tạo ra một cung đường di sản văn hóa của Thái Nguyên từ đó mới có thể thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Lê Phúc

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: Thái Nguyên có tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng tầm. Để thu hút du khách trong thời gian tới, du lịch Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả chất lượng khách sạn, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng doanh nghiệp du lịch để cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất, có thể muốn quay lại Thái Nguyên. Cùng với đó, ngành Du lịch tỉnh sẽ phát huy hiệu quả những liên kết giữa các tỉnh, địa phương, các hãng hàng không, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đảm bảo an toàn, an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường… Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số. Hiện các sản phẩm chuyển đổi số của du lịch Thái Nguyên có nhiều nhưng cần phải tối ưu hóa, liên thông với các hệ thống để phát huy hiệu quả.

Năm 2022, lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của Thái Nguyên đạt gần 2,2 triệu lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Năm 2023 tổng số khách du lịch đến tỉnh Thái Nguyên ước đạt 2,3 triệu lượt khách; doanh thu từ du lịch ước đạt trên 1.900 tỷ đồng.  

Thái Nguyên có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Theo thainguyen.gov.vn